Chiếc xe ba gác của vợ chồng thầy Hưng, cô Thùy một tháng nay vào từng hẻm sâu của Sài Gòn, mang thực phẩm miễn phí đến với người nghèo.

Thầy Phùng Ân Hưng là giáo viên Vật lý trường THPT An Đông, quận 5, còn cô Nguyễn Thị Mộng Thùy dạy ở các trường tư. Ngoài dạy học, cặp vợ chồng ở phường 8, quận Gò Vấp còn trồng chuối xuất khẩu và kinh doanh. Cả hai là thành viên tích cực trong hoạt động thiện nguyện nhiều năm qua.

Anh Hưng mang siêu thị 0 đồng vào từng ngõ ngách, hẻm sâu của Sài Gòn để giúp đỡ những người khiếm thị. Ảnh: NVCC.
Anh Hưng mang siêu thị 0 đồng vào hẻm sâu của Sài Gòn để giúp đỡ những người khiếm thị. Ảnh: NVCC.

Năm nay khi dịch bệnh bùng phát, họ chở 80 tấn chuối từ Đồng Nai, hàng chục tấn rau về Sài Gòn phát miễn phí cho người dân. Từ đầu tháng 7, họ lại mở siêu thị 0 đồng trên chiếc xe ba gác, ưu tiên mang nhu yếu phẩm đến cho người khó khăn ở 24 quận, huyện Sài Gòn.

Ban đầu, vợ chồng thầy Hưng bỏ tiền túi mua gạo, trứng, cá hộp, chuối, rau cho siêu thị 0 đồng. Sau đó, họ được bạn bè, mạnh thường quân chung tay. Để công việc hoạt động nhịp nhàng và đảm bảo phòng chống dịch, thầy Hưng có các nhóm hỗ trợ xác minh, lên danh sách người cần hỗ trợ, đóng hàng và chở hàng. Các nhóm liên lạc với nhau trên mạng. Vợ chồng thầy Hưng làm nhiệm vụ điều hành, liên hệ nguồn hàng và vận chuyển.

Một ngày của vợ chồng thầy giáo thường bắt đầu lúc 6h bằng việc phân chia hàng hóa, sắp xếp vào bao rồi chất lên xe để 14h có thể chở đi phát. Tùy vào nguồn hàng và thực phẩm được ủng hộ, họ sẽ phân chia và mang đến cho từng nhóm người khó khăn. Đối tượng hỗ trợ rộng nên nhiều khi nguồn hàng cạn kiệt, họ phải xoay sở đủ cách để người dân không bị đứt bữa.

Theo cô Thùy, người khiếm thị thuộc nhóm yếu thế và khó hỗ trợ nhất. Họ ở tỉnh xa, lớn lên trong cô nhi viện hoặc không có người thân, lên Sài Gòn kiếm sống, không rành công nghệ và đường sá. Khi dịch bệnh bùng phát và yêu cầu giãn cách xã hội, họ tỏa đi khắp nơi, tìm đến cộng đồng của mình, co cụm với nhau trong những căn phòng trong hẻm sâu.

Thực phẩm, rau củ được các mạnh thường quân mang đến, nhưng phát ở chốt kiểm dịch đầu hẻm, khiến những người khiếm thị dò dẫm ra tới nơi cũng không còn gì. Các nhóm từ thiện không thể tiếp cận hay tìm ra họ để giúp đỡ do không có thông tin, số liên lạc hay địa chỉ chính xác. Họ vô tình bị bỏ lại trong những con hẻm tối, sống lay lắt qua ngày.

Vợ chồng chị Thùy hy vọng với sự chung tay của các mạnh thường quân, họ sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này. Ảnh: NVCC.
Vợ chồng cô Thùy hy vọng với sự chung tay của các mạnh thường quân sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: NVCC.

Đau đáu về cuộc sống của người khiếm thị, vợ chồng cô Thùy mất nhiều công sức mới tìm ra nơi họ ở. Dần dần, người nọ giới thiệu người kia, đến nay cô đã có danh sách 600 địa điểm có người khiếm thị sinh sống. Họ chỉ cần nhắn tin trên nhóm Zalo, vợ chồng cô sẽ xếp đồ vào túi rồi mang đến tận nơi. Thiếu thốn nhưng khi được nhận hai lần hoặc biết có hoàn cảnh người khuyết tật khác khó khăn hơn, họ sẵn sàng nhường lại và dè sẻn hết mức có thể để chờ lần sau.

“Nhận tin nhắn như ‘lâu rồi em chưa được ăn rau, lần này có rau, chị nhớ phần em một chút’ hay ‘nhà em sắp hết gạo, chị hỗ trợ em với’ thì dù là mấy giờ, mệt mỏi bao nhiêu chăng nữa tôi vẫn đi vì họ đang cần mình”, cô Thùy chia sẻ.

Với người đi xe lăn và người sáng mắt khác, vợ chồng cô Thùy sẽ chở siêu thị 0 đồng đến. Người dân sẽ xếp hàng, giữ khoảng cách và lần lượt lấy đồ.

Ban ngày đi phát thực phẩm, ban đêm vợ chồng cô Thùy mang cơm, bánh mì tới cho người vô gia cư, lượm ve chai và bán vé số. “Nhận được đồ ăn, có người lấy tay quệt nước mắt nói từ sáng chưa có gì vào bụng. Nhiều cụ già neo đơn, không gia đình mừng rỡ khi nhận được hộp cơm”, cô Thùy kể.

Nhiều hôm về tới nhà đã khuya, nhận được tin nhắn cảm ơn từ người được giúp đỡ, hai vợ chồng lại thấy ấm lòng. “Chúng tôi động viên nhau mình đủ duyên được giúp đỡ mọi người nên ráng hoàn thành nhiệm vụ”, cô Thùy nói.

Ngoài vận hành siêu thị 0 đồng, vợ chồng cô Thùy còn chở rau, củ, quả từ Đà Lạt về Sài Gòn và bán với giá phi lợi nhuận cho người dân cùng các nhóm từ thiện. Cô Thùy giải thích, nhiều người tự ái khi được cho đồ vì nghĩ rằng vẫn còn có thể mua được và nhường những phần miễn phí cho người cần hơn. Họ sẽ cảm thấy thoải mái và vui khi được mua với giá rẻ. Do đó, để giúp đỡ một cách “tế nhị”, thầy cô bỏ tiền đặt mua rau, củ và chở về phục vụ bà con, chấp nhận lỗ.

Là người khiếm thị được vợ chồng thầy Hưng hỗ trợ, chị Nguyễn Nhật Quang, 41 tuổi, chia sẻ từ An Giang lên Sài Gòn làm việc 11 năm qua. Hơn hai tháng sau khi tiệm tẩm quất phải đóng cửa vì dịch bệnh, chị đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong số tiền dành dụm gửi về cho con gái ở quê.

Hiện chị Quang cùng bốn đồng nghiệp ở tại cửa tiệm quận 10. Tiền hết, chẳng còn gì ăn và không ra ngoài được, chị đành gọi điện cầu cứu khách hàng quen thuộc. “Tôi lo phát khóc khi không biết những ngày tới ra sao, đi đâu về đâu. Đúng lúc đói và tuyệt vọng nhất, chúng tôi được một người bạn giới thiệu đến siêu thị 0 đồng của vợ chồng thầy Hưng, cô Thùy”, chị Quang kể.

Cảm phục trước sự nhiệt tình, không quản mưa gió, đêm ngày mang lương thực tới cứu đói của vợ chồng thầy Hưng, chị Quang mong có thêm mạnh thường quân san sẻ để họ đỡ vất vả, vì “giờ họ ốm là chúng tôi đói”.

Thấy xe ba gác chở siêu thị 0 đồng của anh Hưng tới, những người khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn, ra xếp hàng, và lần lượt tới lấy thực phẩm mình cần. Ảnh: NVCC.

Chị Nguyễn Thị Thu Cúc, tổ trưởng tổ dân phố 46-47, phường 8, quận Gò Vấp, đã chứng kiến các hoạt động thiện nguyện của vợ chồng thầy Hưng, cô Thùy. Ngày nào chị Cúc cũng tham gia tổ hậu cần, giúp sắp xếp từng gói quà, phân loại thực phẩm, rau, củ. Chị Cúc cho hay địa phương cũng tạo nhiều điều kiện để vợ chồng chị Thùy giúp đỡ cộng đồng.

“Tôi đánh giá cao và khâm phục việc làm của thầy Hưng, cô Thùy. Họ rất tốt bụng, giúp đỡ lối xóm và mọi người có cái ăn trong thời điểm dịch bệnh khó khăn. Họ làm quên ăn, sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu để mua rau, lương thực rồi mang tới tận nơi cho những người khiếm thị, khuyết tật”, chị Cúc nói.

NGUỒNBinhf Minh - VNE
Bài trướcThầy giáo Hoàng Sĩ Nguyên và những tiết học Mỹ thuật độc đáo, cuốn hút
Bài tiếp theoGiới thiệu chung về trường An Đông